Cà phê Rừng Lạnh một sản phẩm của người dân Nam Bình, huyện Đắk Song (Đắk Nông). Từ khâu sản xuất đến khâu chế biến, Cà phê Rừng Lạnh đều tuân thủ theo tiêu chí sạch. Nhờ đó, Cà phê Rừng Lạnh không chỉ sạch, ngon mà còn lưu giữ được vị của núi rừng Tây Nguyên.
Lập hợp tác xã làm cà phê sạch
Rừng Lạnh là một địa danh thuộc xã Nam Bình của huyện Đắk Song (Đắk Nông). Nơi đây gắn liền với câu chuyện dân gian Rừng Lạnh hay còn gọi là núi Rừng Lạnh của người dân M’nông.
Sản phẩm Cà phê Rừng Lạnh được phân hạn 3 sao sản phẩm OCOP tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Hoàng Hoài.
Đó là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, có khí hậu thuận lợi, chất đất đỏ bazan màu mỡ. Cũng như các mảnh đất Tây nguyên khác, Rừng Lạnh phủ xanh bởi những mảnh vườn cà phê tươi tốt.
Cùng chí hướng phát triển cà phê bền vững, các hộ dân tại vùng đất Rừng Lạnh đã liên kết thành lập Hợp tác xã thương mại, dịch vụ chế biến, sản xuất nông nghiệp Đoàn Kết. Hợp tác xã ra đời năm 2014 có trụ sở tại thôn 9, xã Nam Bình.
Ngay sau khi thành lập, anh Lưu Như Bính- Giám đốc hợp tác xã đã định hướng cho thành viên cùng người dân xung quanh sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn sạch để nâng cao chất lượng sản phẩm. Anh đã phổ biến đến mọi người quy trình sản xuất cà phê 4C theo hướng an toàn, không sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế bón phân hóa học.
Từ khâu sản xuất đến khâu chế biến, Cà phê Rừng Lạnh luôn hướng đến tiêu chuẩn sạch. Ảnh: Hoàng Hoài.
Tiêu chuẩn 4C là viết tắt của 4 từ: Common (Chung), Code (Bộ quy tắc), Coffee (Cà phê) và Community (Cộng đồng). Theo đó, cà phê 4C được những người nông dân trồng với cam kết giảm thiểu sử dụng thuốc trừ sâu nhằm bảo vệ môi trường, đảm bảo môi trường làm việc tốt nhất cho người làm việc và nhiều hơn thế nữa.
Vùng nguyên liệu cà phê sạch của hợp tác xã hiện nay có sự tham gia của 55 hộ thành viên và nhiều thành viên liên kết khác, với diện tích khoảng 140ha, sản lượng thô đạt hơn 400 tấn/năm.
Cà phê cho thu hoạch vào khoảng tháng 10 - 12 của năm. Hợp tác xã đã vận động thành viên không hái khi trái còn xanh, chỉ thu hái khi quả chín 100% để đảm bảo chất lượng nhất. Hợp tác xã sử dụng phương pháp chế biến ướt để đảm bảo chất lượng cà phê tốt nhất. Trong cách chế biến này, hạt cà phê phải trải qua quá trình lên men bằng enzym có trong hạt cà phê, từ đó đảm bảo được hương, vị đặc trưng tự nhiên của từng loại cà phê.
Ngoài ra, anh Bính cho biết, quá trình phơi cũng rất công phu, nhân cà phê được phơi trong nhà kính, trên sàn lưới không phơi trực tiếp trên nền đất vì vậy cà phê đảm bảo ngon và sạch, giữ được nguyên chất cà phê của vùng đất Rừng Lạnh.
Tăng giá trị, nâng thu nhập
Để phát triển dòng sản phẩm cà phê bột, hợp tác xã đã đầu tư máy chế biến ướt, máy rang, máy xay và một số trang thiết bị khác để phục vụ chế biến cà phê… Hiện, hợp tác xã vừa sản xuất vừa đầu tư chế biến sâu để tiếp tục nâng giá trị hạt cà phê, giảm dần việc bán nông sản thô ra thị trường. Giá trị cà phê bột sau khi được chế biến thường cao hơn giá cà phê thô khoảng 2,5 - 3 lần. Qua đó, nâng cao thu nhập của các thành viên hợp tác xã và nông dân tại địa phương.
Cà phê Rừng Lạnh hiện rất được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Hoàng Hoài.
Năm 2020, sản phẩm Cà phê bột Rừng Lạnh của hợp tác xã thương mại, dịch vụ chế biến, sản xuất nông nghiệp Đoàn Kết đã tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP. Kết quả, sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, sản xuất theo quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của nhà nước.
Sản phẩm được khách hàng đánh giá cao về chất lượng, hương vị đậm đà đặc trưng của vùng đất Rừng Lạnh. Hàng năm, hợp tác xã sản xuất khoảng 50 tấn cà phê bột và khoảng 15 - 20 tấn cà phê chất lượng cao. Tuy nhiên sản lượng sản xuất ra của hợp tác xã vẫn chưa đủ đáp ứng các đơn hàng của đối tác, khách hàng.
Theo anh Bính, thời gian tới, để thương hiệu Cà phê Rừng Lạnh được vươn xa hơn, hợp tác xã sẽ tiếp tục mở rộng quy mô liên kết, kết nạp thêm các thành viên đang sản xuất cà phê và đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị phục vụ chế biến cà phê.
Hiện nay, Hợp tác xã Thương mại, dịch vụ - chế biến, sản xuất nông nghiệp Đoàn Kết được chọn làm hợp tác xã nòng cốt tham gia Đề án phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng phục vụ chế biến và xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2025 (theo Quyết định số 1088/QĐ-BNN-KTHT ngày 25/3/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Đối với tỉnh Đắk Nông, đề án này được xây dựng với quan điểm phát triển liên kết hợp tác xã, hộ nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ cà phê. Mục tiêu nhằm tạo ra vùng nguyên liệu rộng lớn, tác động mạnh mẽ đối với sự phát triển bền vững của ngành hàng, phát triển cây cà phê phải gắn với thị trường tiêu thụ, đảm bảo nâng cao tính cạnh tranh, giá trị gia tăng và phân chia lợi nhuận hợp lý giữa các khâu trong chuỗi giá trị, hướng đến xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, tạo nguồn cà phê xuất khẩu chất lượng cao và có thương hiệu.
Hoàng Hoài
Trích nguồn Tạp chí thương hiệu sản phẩm.
(Link:
https://thuonghieusanpham.vn/ca-phe-rung-lanh-ngon-sach-dam-vi-nui-rung-62150.html)