Huyện cửa ngõ phía Nam của tỉnh Đắk Nông đã từng bước khơi dậy được tiềm năng, lợi thế địa phương thông qua Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Sản phẩm lớn lên với vùng nguyên liệu tại chỗ
Một trong những điểm mạnh của sản phẩm OCOP ở bất kỳ quốc gia nào đó là xây dựng từ vùng nguyên liệu địa phương, tại chỗ. Khi có được điều này, sản phẩm OCOP sẽ tạo được sức mạnh, giá trị lớn của cả cộng đồng, làng xã, lớn hơn là của tỉnh, thành phố, quốc gia, dân tộc.
Tại huyện Đắk R’lấp, các sản phẩm OCOP đều được xây dựng, khẳng định nhãn hiệu, thương hiệu đều gắn với vùng nguyên liệu tại chỗ.
Sản phẩm OCOP hạt điều Hồng Đức gắn với vùng nguyên liệu tại chỗ
Điển hình như đối với sản phẩm hạt điều rang muối với thương hiệu Hồng Đức của Công ty TNHH Hồng Đức, xã Kiến Thành. Theo bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Công ty, hơn 20 năm qua, Hồng Đức gây dựng, phát triển được tên tuổi của mình trong ngành hàng điều là nhờ có nguồn nguyên liệu tại chỗ.
Bà khẳng định rằng, hạt điều được người dân trồng trên vùng đất bazan Đắk Nông rất ngon, có đặc trưng riêng. Sản phẩm sau khi chế biến có chất lượng cao. Chính vì thế, doanh nghiệp đang chú trọng phát triển thêm các vùng nguyên liệu ổn định gắn với sự liên kết lâu dài với người dân địa phương.
Mới đây, sản phẩm hạt điều rang muối của công ty đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng trong nước, công ty sớm đầu tư về mẫu mã bao bì và nhiều kích cỡ khác nhau cho sản phẩm. Điều rang muối của công ty đã có mặt ở nhiều hệ thống bán lẻ toàn quốc.
Hạt điều Hồng Đức nổi tiếng thơm ngon từ nguyên liệu trồng trên vùng đất bazan cao nguyên Đắk Nông
Tuy nhiên, sản lượng chính của hạt điều Hồng Đức là phục vụ xuất khẩu với khoảng 10.000 tấn điều các loại. Thị trường của Hồng Đức chủ yếu là Trung Quốc, châu Âu, Trung Đông, Mỹ, trong đó, thị trường xuất khẩu mạnh nhất là Trung Quốc, chiếm đến 99%.
Bà Nguyệt cho biết: “Hiện, doanh nghiệp đã xây dựng mô hình liên kết bền vững với nông dân địa phương với diện tích trên 100 ha, 100 hộ trồng các giống điều mới cho năng suất, sản lượng cao”
Hay như đối với sản phẩm cà phê bột được sản xuất theo các tiêu chuẩn và chế biến ướt của Công ty TNHH MTV Bốn Hiệp, xã Quảng Tín.
Còn theo Giám đốc Công ty Trương Công Hiệp, cái riêng của sản phẩm cà phê Bốn Hiệp là thực hiện quy trình chế biến ướt, có những ưu điểm vượt trội hơn so với chế biến khô đó là tạo ra phẩm chất, hương vị đặc biệt, vì trải qua quá trình lên men.
Chế biến ướt luôn trải qua 4 công đoạn chính là phân loại; xát bỏ vỏ quả; lên men loại bỏ chất nhầy; phơi hoặc sấy khô thành phẩm. Những quả cà phê được hái chín đỏ qua quy trình này giữ được lượng đường, vitamin tối đa nên khi chế biến sẽ có chất lượng cao nhất.
Quy trình chế biến ướt, lựa chọn 100% quả chín làm cho sản phẩm cà phê Bốn Hiệp, có những nét riêng nổi bật
Từ những cái riêng nổi bật này, nhãn hiệu sản phẩm cà phê Bốn Hiệp đã nhanh chóng được các chuyên gia thử nếm, các tổ chức trong và ngoài nước công nhận đạt chất lượng cao. Điển hình, Trung tâm nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp châu Á (TP. Hồ Chí Minh) chứng nhận cà phê Bốn Hiệp là thương hiệu mạnh ASEAN năm 2019 (ASEAN Brand Awards 2019). Viện Nghiên cứu kinh tế châu Á và Viện Khảo sát, đánh giá chỉ số cạnh tranh chứng nhận sản phẩm là “Top 10 thương hiệu mạnh đất Việt, gương mặt doanh nhân xuất sắc đất Việt lần IV năm 2019”.
Đáng chú ý, thương hiệu cà phê Bốn Hiệp có được cái riêng của cà phê Đắk Nông gắn với chỉ dẫn địa lý tại xã Đắk Ru, người tiêu dùng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc qua tem điện tử trên mỗi sản phẩm.
Sản phẩm cà phê chế biến ướt thương hiệu Bốn Hiệp - OCOP 3 sao
Năm 2022, sản phẩm cà phê chế biến ướt Bốn Hiệp được UBND tỉnh công nhận đạt OCOP 3 sao. Đơn vị tiếp tục phát triển thêm nguyên liệu tại các địa phương trong tỉnh.
Hiện nay, công ty đã liên kết với hơn 400 hộ dân trên địa bàn các huyện Đắk R’lấp, Tuy Đức, Đắk Glong để tổ chức sản xuất hơn 1.000 ha cà phê theo các tiêu chuẩn quốc tế 4C.
Quy trình chế biến ướt được in rõ trên bao bì làm nên nét riêng sản phẩm cà phê Bốn Hiệp.
Nâng tầm lợi thế địa phương, xây dựng nông thôn mới
Trước yêu cầu phát triển, huyện Đắk R’lấp đã xác định cần tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phát huy nội lực, tích cực thu hút các nguồn lực bên ngoài cho mục tiêu phát triển ổn định, bền vững.
Nông nghiệp giữ vai trò chủ yếu của huyện. Huyện đã và đang đẩy mạnh triển khai đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp toàn diện, xây dựng nông thôn mới với nhiều kết quả tốt đẹp. Trong đó, OCOP là một chương trình chuyên đề trọng tâm hàng đầu được cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ triển khai, đánh giá, duy trì.
Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc biệt là hạt điều, cà phê, hồ tiêu, sầu riêng được xây dựng, công nhận, ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường. Hiện nay, huyện Đắk R’lấp có 12 sản phẩm OCOP của 11 chủ thể được đánh giá đạt 3 sao trở lên (1 sản phẩm đạt 4 sao và 11 sản phẩm đạt 3 sao).
Cụ thể sản phẩm OCOP gồm: hạt điều rang muối của Công ty TNHH Hồng Đức (4 sao); cà phê bột của Công ty TNHH MTV Toàn Hằng; nấm linh chi của Cơ sở kinh doanh Nguyễn Thị Toàn; mắc ca sấy Hiền Hoàng của Hộ kinh doanh Hoàng Thị Thu Hiền; yến Châu Thành của Hợp tác xã Nông nghiệp – Dịch vụ – Tổng hợp Yến Châu Thành; hạt tiêu, cà phê bột của Công ty TNHH MTV TM Tân Nhân Tài; sầu riêng trái tươi của Tổ hợp tác sản xuất sầu riêng thôn 2; cà phê bột của Công ty TNHH Bốn Hiệp; cà phê bột của Hợp tác xã Nông nghiệp – Dịch vụ – Tổng hợp Hoàn Phương; sầu riêng trái tươi của Hợp tác xã Nông nghiệp – Thương mại – Dịch vụ Trường Thịnh; cà phê bột của Hợp tác xã nông nghiệp thương mại Công Bằng Đắk Ka.
Sản phẩm nông nghiệp Đắk R’lấp ngày càng được nâng tầm từ chương trình OCOP
Theo TUV, Bí thư Huyện ủy Phan Anh Tuấn, đầu năm 2024, huyện đầu tư gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại Phòng Văn hóa Thông tin huyện gần với Quảng trường trung tâm để người dân, du khách thuận lợi trong việc tham quan, mua sắm. Huyện tích cực vận động, hỗ trợ để các chủ thể, sản phẩm OCOP tham gia các hoạt động về giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ.
Chương trình OCOP đã góp phần phát triển các sản phẩm đặc trưng, đặc sản của địa phương. Từ đó, thúc đẩy liên kết, hợp tác trong sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức kinh tế, nhất là các HTX.
Nhiều sản phẩm OCOP của huyện được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, giá trị, an toàn thực phẩm không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn phục vụ xuất khẩu.
Các hợp tác xã, tổ hợp tác đang dần được đổi mới; hoạt động, phát triển theo hướng thị trường, đến nay toàn huyện có 29 hợp tác xã và 12 tổ hợp tác.
Các nhà máy đã được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, điển hình như nhà máy chế biến hạt điều Hồng Đức, nhà máy chế biến trái cây Toàn Hằng, một số dự án đang triển khai đầu tư vào các sản phẩm nông nghiệp khác.
Huyện Đắk R’lấp nay đã có diện mạo nông thôn mới, đô thị phát triển. Điều đó minh chứng cho sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự năng động, sáng tạo và quyết liệt của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện cùng với sự tham gia tích cực, trách nhiệm của các tầng lớp Nhân dân trong huyện. Trong đó, có thể khẳng định, sự đóng góp của các chủ thể OCOP, sức mạnh cộng đồng từ sản phẩm đặc trưng, lợi thế địa phương đã tạo nên khí thế mới cho kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Ông Tuấn khẳng định, với những thành tựu đó, đã giúp nhân lên niềm tin và khát vọng, tạo ra khí thế mới, động lực mới để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Đắk R’lấp thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Huyện phấn đấu, phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong giai đoạn tới từ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, OCOP, công nghiệp. Huyện phấn đấu, xây dựng Đắk R’lấp trở thành trung tâm tiểu vùng phía Nam, vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Đắk Nông.
Hương Giang