Để triển khai Chương trình OCOP đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, các cấp, ngành, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân tích cực chuyển dịch cơ cấu sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới.
Xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ và giải pháp quan trọng để triển khai thực hiện Đề án OCOP, các cấp ủy, chính quyền đã quán triệt sâu sắc nội dung về tầm quan trọng và ý nghĩa của chương trình này đến với cán bộ và người dân trên địa bàn.
|
Ngành Nông nghiệp có nhiều ưu điểm, lợi thế để phát triển sản phẩm OCOP
|
Nội dung tuyên truyền chủ yếu tập trung vào sự cần thiết, các nguyên tắc triển khai Chương trình OCOP; các cơ chế chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế cộng đồng. Các địa phương, đơn vị cũng hướng dẫn việc đăng ký, tiếp nhận và xét chọn ý tưởng sản phẩm; xây dựng và triển khai phương án kinh doanh, dự án sản xuất kinh doanh và hoàn thiện sản phẩm OCOP.
Hoạt động tuyên truyền được các đơn vị triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như kết hợp với Báo Đắk Nông xây dựng chuyên trang tuyên truyền về OCOP hàng tháng; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng chuyên mục OCOP.
Ngoài ra, Sở nông nghiệp – PTNT chủ trì, phối hợp với các sở: Thông tin và Truyền thông, Công thương, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới, Liên minh Hợp tác xã… triển khai các nhiệm vụ chuyên môn, lồng ghép các hoạt động liên ngành để thực hiện công tác tuyên truyền về Chương trình OCOP.
Theo kế hoạch, trong năm 2020, Sở Nông nghiệp – PTNT tiến hành tổ chức tập huấn cho các chủ thể có sản phẩm được lựa chọn tham gia Chương trình OCOP về cách thức xây dựng phương án, kế hoạch kinh doanh, kiến thức về kinh doanh, các loại hình tổ chức sản xuất – kinh doanh.
|
Sở Nông nghiệp – PTNT tỉnh Đắk Nông sẽ tăng cường hỗ trợ cho các cá nhân, đơn vị có sản phẩm dự kiến tham gia đánh giá xếp hạng OCOP
|
Một số kiến thức về thị trường, makerting, sản phẩm OCOP; cấu trúc phương án kinh doanh, xây dựng kế hoạch tài chính và nội dung sản xuất kinh doanh… cũng được ngành Nông nghiệp triển khai đến với các đơn vị, cá nhân. Về tập huấn phát triển kinh tế cộng đồng, Sở Nông nghiệp – PTNT cũng phổ biến đến các chủ thể một số nội dung như: Phương pháp phát triển, cải tiến sản phẩm; quản lý vận hành các loại hình tổ chức kinh tế hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ, nhóm; kỹ năng tiếp thị sản phẩm.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng đẩy mạnh công tác tham vấn, tư vấn phát triển sản phẩm OCOP. Trong đó, các đơn vị chức năng đã tổ chức tập huấn cho các chủ thể OCOP về thực hiện phân tích thị trường, cung cầu sản phẩm; phân tích điểm mạnh, điểm yếu của sản phẩm; đánh giá rủi ro trong phát triển và thương mại hóa sản phẩm; phương pháp, kiến thức hoàn thiện bao bì, nhãn hiệu hàng hóa; tem truy xuất nguồn gốc; an toàn vệ sinh thực phẩm; xây dựng câu chuyện về sản phẩm.
Để thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, các cấp, ngành đã lồng ghép các dự án, chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM. Các đề tài, mô hình đóng góp thiết thực cho Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư cũng được các cấp, các ngành mạnh dạn lồng ghép với Chương trình OCOP.
Cũng trong Chương trình OCOP, tỉnh cũng đã triển khai Ðề án phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, internet, thương mại điện tử… trong Chương trình OCOP cũng được đẩy mạnh.
Hiện nay, nhiều cơ quan, đơn vị đang nghiên cứu, đề xuất các giải pháp mới trong sản xuất, phát triển sản phẩm OCOP. Các giải pháp về tăng cường năng lực tiếp cận của nông nghiệp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; nhận diện rõ “Nông nghiệp 4.0”; “Nông nghiệp bền vững, công nghệ cao”; “Nông nghiệp hữu cơ”; giải pháp khoa học cũng đang được các cơ quan, đơn vị, người dân tích cực triển khai, ứng dụng để xây dựng sản phẩm OCOP.
Bài, ảnh: Văn Tâm