Cùng với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất cũng là chủ thể của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Do đó, việc khơi gợi, phát huy tốt vai trò của hộ sản xuất sẽ tác động tích cực đến hiệu quả Chương trình OCOP.
Theo Ban quản lý chương trình OCOP tỉnh, Đắk Nông có số lượng đông đảo hộ cá thể tiềm năng để phát triển các sản phẩm OCOP. Các hộ đều sản xuất, kinh doanh, hoạt động dịch vụ thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực của kinh tế, đời sống, xã hội, văn hóa, du lịch.
|
Sản phẩm trà mãng cầu của hộ kinh doanh Anna Food được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP
|
Thời gian qua, các địa phương đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động cũng như tạo điều kiện để cho các hộ dân có thể phát huy được nội lực của mình trong hoạt động kinh tế. Nhiều hộ dân đã cho ra ý tưởng, sáng tạo trong quá trình tạo sản phẩm, dịch vụ, góp phần hình thành, nâng tầm phát triển nhiều sản phẩm hàng hóa.
Trà mãng cầu của Anna Food là 1/22 sản phẩm đã được UBND tỉnh Đắk Nông công nhận đạt OCOP đợt 1 năm 2020. Theo chị Lê Thị Ly Na, chủ cơ sở kinh doanh trà mãng cầu tại phường Nghĩa Đức (TP. Gia Nghĩa), gia đình đã có ý tưởng phát triển sản phẩm trà này từ lâu.
Đến nay, chị đã hoàn thành các bước để có thể "ghi tên" cho sản phẩm của mình trên thị trường hàng hóa. Bằng sự hiểu biết của bản thân, chị đã chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu sạch, xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết kế, in ấn, đăng ký nhãn hiệu, bao bì cho sản phẩm.
Tổng kinh phí chị huy động cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh lên đến trên 3 tỷ đồng. Đây là số vốn không hề nhỏ với chị. Chị Na tâm sự: “Thực tế tôi thấy sức mạnh nội lực trong mỗi hộ dân hiện nay là khá lớn. Do đó Nhà nước cần làm sao để các hộ dân phát huy được nội lực, có sự chủ động, sáng tạo trong hoạt động kinh tế”.
Cũng theo chị Na, sau khi được công nhận OCOP, sản phẩm trà mãng cầu của chị cũng đã được tỉnh hỗ trợ tham gia vào các hoạt động quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tương tự, hộ kinh doanh, chế biến nông sản Như Ý, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) có hạt mắc ca sấy khô được công nhận là sản phẩm OCOP. Theo chị Tôn Nữ Ngọc Như, chủ cơ sở, mắc ca được nông dân huyện Tuy Đức trồng từ nhiều năm qua, có nhiều tiềm năng về giá trị, nguồn nguyên liệu.
Do đó, chị Như đã ấp ủ ý tưởng chế biến hạt mắc ca thành các sản phẩm khác nhau để dễ tiêu thụ. Tuy nhiên, do vốn ít, nên thời gian đầu chị chỉ thu mua, chế biến với hình thức thủ công. Năm 2018, từ sự hỗ trợ của chương trình khuyến công, chị đã quyết định vay mượn thêm để đầu tư hệ thống máy sấy hiện đại hơn, với tổng vốn gần 400 triệu đồng.
Từ đó, chị đã nâng quy mô chế biến mắc ca từ khoảng 20 kg/mẻ lên 300 kg/mẻ. Theo chị Như, chính sự hỗ trợ một phần từ Nhà nước đã tiếp sức mạnh cho những nỗ lực của gia đình. Mặc dù vậy, để được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, chị đã phải chủ động triển khai nhiều công việc khác nhau để đưa sản phẩm mắc ca ra thị trường với tên tuổi, nhãn mác cụ thể...
Chương trình OCOP Đắk Nông đang được đẩy mạnh với các hoạt động nhằm thu hút thêm các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình. Trong đó, Chương trình sẽ tăng cường hỗ trợ hộ cá thể nâng cấp về khâu tổ chức sản xuất, kinh doanh trên nhiều mặt gồm: Tái cơ cấu lại sản xuất, nhân sự, nhà xưởng, trang thiết bị.
Chương trình OCOP cũng sẽ kết nối với các đơn vị như ngân hàng, nhà khoa học, doanh nghiệp... nhằm giúp các hộ dân gia tăng chất lượng sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, tiếp cận các thị trường tiêu thụ bền vững. Qua đó, giúp các hộ dân có điều kiện thuận lợi nhất để khẳng định vai trò, vị trí
của mình trong hoạt động phát triển kinh tế.
Bài, ảnh: Hồng Thoan