Thay đổi cách thức sản xuất để xây dựng các sản phẩm OCOP
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là cơ hội giúp các địa phương khơi dậy sự tự lực, sáng tạo của cộng đồng để phát triển các sản phẩm đặc trưng. OCOP cũng từng bước làm thay đổi tập quán sản xuất, tạo ra hướng đi mới của cư dân nông thôn.
Qua khảo sát, hiện nay tỉnh Đắk Nông có rất nhiều sản phẩm đặc sản mang tính truyền thống, có giá trị kinh tế cao, cần được khôi phục, phát triển thành hàng hóa, mang lại nguồn thu nhập cho người dân.
|
Sản phẩm măng cụt của Trang trại Gia Ân (Gia Nghĩa) được chứng nhận OCOP
|
Đơn cử, Công ty Cổ phần Thương mại Sachi Tây Nguyên (Đắk Mil) đang mở rộng liên kết với các hộ nông dân trên địa bàn để trồng cây sachi. Công ty mong muốn nâng cao đời sống của người dân, vì sachi là loại cây cho thu hoạch quanh năm.
Năm 2020, bình quân hàng tháng, Công ty xuất khẩu được từ 2-4 container sachi qua Malaysia và Đài Loan. Theo bà Bùi Thị Kiều Xuân, Giám đốc Công ty, hiện nay, để hàng hóa xuất khẩu được như vậy, đơn vị đã tập trung sản xuất theo hướng an toàn sinh học. Từ khâu sản xuất đến khâu chế biến sản phẩm, Công ty luôn lấy tiêu chí bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng làm đầu, nên không dùng các chế phẩm hóa học.
Tương tự, theo ông Nguyễn Hữu Hạ, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Công Bằng Thuận An (Đắk Mil) hiện nay, đa số người dân sản xuất theo phong tục tập quán cũ. Do vậy, HTX gặp nhiều khó khăn trong quá trình vận động các hộ thành viên thay đổi tập quán canh tác truyền thống sang phương thức sản xuất mới theo tiêu chuẩn chung.
Thế nhưng, trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP, HTX đã hướng dẫn, vận động bà con tập trung khai thác những lợi thế, tận dụng cơ hội trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Trước hết, HTX vận động bà con sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn sinh học, không sử dụng các chế phẩm hóa học trong quá trình canh tác.
Khâu thu hoạch, bảo quản sản phẩm cũng được HTX động viên bà con thực hiện một cách bài bản, khoa học để vừa bảo đảm chất lượng, vừa an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến nay, hầu hết bà con thành viên đã thay đổi được thói quen sản xuất cũ. Nhờ đó, các sản phẩm của HTX ngày càng trở nên chất lượng hơn.
Ðể khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp – PTNT tỉnh Đắk Nông, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; thúc đẩy sản xuất, kích cầu tiêu dùng; tạo động lực cho người dân phát triển các sản phẩm có thế mạnh.
Việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ phải gắn liền với các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp. Sản phẩm được làm ra phải gắn chặt với công tác đánh giá xếp hạng của OCOP. Còn sản phẩm được chứng nhận OCOP đều phải đặt mục tiêu phát triển thành chuỗi giá trị, tập trung phát triển đạt tiêu chuẩn hóa toàn cầu...
Bài, ảnh: Kim Ngân