Liên kết với nông dân sản xuất Chocolate "made in Krông Nô"
Từ một lớp tập huấn, anh Nghĩa đã "bén duyên" với cây ca cao. Và cũng từ đây, một thương hiệu Chocolate "made in Krông Nô" ra đời.
"Bén duyên" cây ca cao
Năm 2007, anh Vũ Văn Nghĩa (thôn Đắk Hoa, xã Tân Thành, huyện Krông Nô, Đắk Nông) được dự một lớp tập huấn về phát triển cây ca cao. Lớp tập huấn được huyện Krông Nô tổ chức.
Cây ca cao phát triển tốt trên mảnh vùng đất Krông Nô. Ảnh: Hoàng Hoài.
Sau lớp tập huấn, anh Nghĩa về và thử trồng xen ca cao trong vườn cà phê. Kết quả cho thấy, cây ca cao phù hợp với nhổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương. Cây sinh trưởng tốt, ít công chăm sóc, nhưng cho thu hoạch quanh năm, năng suất trung bình trên 2 tấn tươi/ha.
Thấy vậy, anh quyết định chuyển đổi hẳn 2 ha đất của gia đình sang trồng chuyên canh cây ca cao. Nhận thấy ca cao đem lại hiệu quả kinh tế cao, có thể chế biến sâu thành nhiều sản phẩm, anh Nghĩa đã vận động người dân xung quanh cùng nhau phát triển loại nông sản này.
Bột Ca cao Duy Nghĩa là sản phẩm OCOP hạng 3 sao của tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Hoàng Hoài.
Đến năm 2016, anh Nghĩa cùng với những người trồng ca cao trên địa bàn quyết định liên kết thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Krông Nô để liên kết các hộ dân trồng ca cao.
Hiện nay vùng nguyên liệu ca cao đã được mở rộng khoảng 120ha, không chỉ ở địa bàn các xã khác của huyện Krông Nô mà có sự tham gia của nông dân các địa phương khác như huyện Cư Jút, Đắk Mil... Những người tham gia hợp tác xã đã cùng nhau sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn chung, từ đó nâng cao giá trị sản xuất, hình thành chuỗi sản xuất, ổn định đầu ra cho sản phẩm ca cao.
Đến sản phẩm "đầu cuối" có giá trị cao
Lúc đầu, hợp tác xã của anh Nghĩa xuất bán sản phẩm thô, giá thành khoảng 80.000 đồng - 90.000 đồng/kg. Tuy nhiên, anh Nghĩa nhận thấy, trên thị trường, giá thành giữa sản phẩm thô và sản phẩm đã được chế biến thành phẩm có sự chênh lệch rất cao.
Hợp tác xã Nông nghiệp Krông Nô rất tích cực trong việc quảng bá sản phẩm. Ảnh: Hoàng Hoài.
Do đó, để nâng cao giá trị, tối đa lợi nhuận cho người dân, anh Nghĩa cùng các thành viên hợp tác xã bắt đầu tìm tòi, học hỏi cách chế biến sản phẩm từ ca cao. Hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư máy móc, từng bước chế biến, tạo ra các sản phẩm từ ca cao có chất lượng cao, giảm dần sản phẩm thô.
Để tìm được thị trường đầu ra, hợp tác xã đã đưa sản phẩm đi phân tích thành phần. Kết quả, sản phẩm của đơn vị đã đạt tiêu chuẩn, điều kiện của tổ chức thương mại Công bằng thế giới để tham gia vào thị trường thế giới. Từ đó, hợp tác xã đã tham gia vào tổ chức Thương mại Công bằng, một trong những tổ chức thương mại có uy tín trong và ngoài nước.
Chocolate Duy Nghĩa không chỉ có chất lượng tốt mà mẫu mã cũng rất bắt mắt. Ảnh: Hoàng Hoài.
Ngoài bột ca cao, hợp tác xã đã chế biến thành công 3 sản phẩm từ ca cao gồm: Chocolate nguyên chất 100%, chocolate 65% và chocolate sữa 40%. Giá ca cao thành phẩm của hợp tác xã bán ra thị trường với mức giá từ 300.000 – 400.000 đồng/kg. Giá chocolate khoảng 500.000 - 600.000đồng/kg, tùy theo loại.
Để cho ra những sản phẩm chất lượng, Hợp tác xã Nông nghiệp Krông Nô chọn lọc những quả ca cao chín để thu hoạch, sau đó tiếp tục chọn lọc chế biến và rang mộc thành phẩm không pha lẫn bất cứ tạp chất nào. Quy trình chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng thơm ngon, bổ dưỡng. Không chỉ thế, sản phẩm có màu sắc bắt mắt, mẫu mã đẹp, đa dạng, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.
Nhiều sản phẩm từ ca cao được Hợp tác xã Nông nghiệp Krông Nô sản xuất. Ảnh: Hoàng Hoài.
Với sự tâm huyết, cần cù, chịu thương chịu khó, anh Nghĩa cùng nông dân đã tạo nên thương hiệu Ca cao và Chocolate Duy Nghĩa. Năm 2021, sản phẩm bột Ca cao và Chocolate Duy Nghĩa của hợp tác xã được UBND tỉnh chứng nhận đạt OCOP 3 sao.
Hiện nay, Hợp tác xã Nông nghiệp Krông Nô tiếp tục nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới như bơ ca cao, rượu vang ca cao để giới thiệu đến người tiêu dùng. Hợp tác xã rất tích cực trong các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm như tham gia các hội chợ kết nối giao thương của các tỉnh thành, quốc tế, các sàn thương mại điện tử...
Các hoạt động xây dựng thương hiệu, nghiên cứu thị trường đang dần đưa sản phẩm ca cao của hợp tác xã vươn ra thị trường, hướng đến thị trường quốc tế. Vùng nguyên liệu ca cao được hình thành và mở rộng, ngày càng mang lại cuộc sống ấm no, sung túc cho nhiều nông dân nơi vùng đất Krông Nô và tạo thêm sản phẩm nông nghiệp đặc sản của vùng đất nông nghiệp trù phú này.
Hoàng Hoài
Trích nguồn Tạp chí thương hiệu sản phẩm.
(Link: https://thuonghieusanpham.vn/lien-ket-voi-nong-dan-san-xuat-chocolate-made-in-krong-no-61958.html)